Thứ Sáu,19/04/2024 22:00   Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Long An !.

Tìm kiếm

Số lượt truy cập

Người dùng Online

Thành Viên Online Thành Viên Online:
Khách Khách: 1
Thành Viên Thành Viên: 0
Tổng Số Tổng Cộng: 1

Nghiên cứu – Trao đổi

LIÊN KẾT VÙNG GIỮA TỈNH LONG AN VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ GÓC NHÌN CỦA NGÀNH CƠ KHÍ NÔNG NGHIỆP 04/01/2017

1. Nhận định

 1.1 Thành phố Sài Gòn từ khi được thành lập đến nay trở thành cực tăng trưởng năng động. Sự lan tỏa của cực tăng trưởng năng động này kéo theo sự phát triển của toàn vùng Sài Gòn,Chợ Lớn Gia Định trở thành Thành Phố Hồ Chí Minh sau năm 1975, thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Tỉnh Long An bao gồm tỉnh Chợ Lớn cũ trước năm 1955 và tỉnh Kiến Tường cũ trước năm 1975.

Phần tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây thuộc Đông Nam Bộ, phần hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây thuộc Tây Nam Bộ.

Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường công nghiệp phát triển mạnh, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Nhu cầu của các ngành công nghiệp thâm dụng lao động kéo theo tăng dân số cơ học tại các đô thị phát sinh những nhu cầu xã hội. Cơ sở hạ tầng quy hoạch đô thị cũ không theo kịp nhu cầu dân sinh mới.

Tắt nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường không khí, nước, nhu cầu nhà ở, các tiện ích về an sinh xã hội không đáp ứng kịp và ngày càng trầm trọng thêm.

Ngày nay khoa học công nghệ là nhân tố quyết định cho thời kỳ tăng trưởng mới. Công nghiệp công nghệ cao dựa trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi hệ sinh thái phát triển mới bền vững hơn.Thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên nước,năng lượng và nguyên nhiên liệu tạo ra giá trị tăng thêm cao hơn. Thành phố thông minh, kinh tế tri thức trong môi trường sạch hơn, xanh hơn, con người hoạt động khoa học công nghệ và tổ chức đời sống xã hội trong một hệ sinh thái gần gũi với tự nhiên là yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Để thực hiện những yêu cầu cao hơn của giai đoạn ứng dụng khoa học công nghệ mới vào công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao trong tiến trình phát triển này liên kết với cực tăng trưởng trung tâm và các đô thị vệ tinh vượt ra ngoài địa giới hành chánh.

1.2 Tỉnh Long An phân làm 2 vùng kinh tế rõ rệt

Tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây gồm các huyện Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, tốc độ công nghiệp hóa nhanh kéo theo việc tăng nhanh dân số cơ học.

Các vấn nạn về tắt nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, nhà ở cho cư dân đô thị mới phát sinh nhiều nhu cầu mới cho các địa phương trong tỉnh.

Hữu ngạn sông Vàm Cỏ Tây, vùng Đồng Tháp Mười gắn với Đồng Bằng Sông Cửu Long là vùng trồng lúa trọng điểm của cả nước, sản lượng lúa gần 3 triệu tấn năm. Cây ăn quả như thanh long ở huyện Châu Thành, chanh, ổi, khóm ở Thủ Thừa, Đức Huệ, rau quả ở Cần Giuộc là vành đai xanh của Thành Phố Hồ Chí Minh có tiềm năng to lớn cung cấp cho thị trường đô thị Sài Gòn.

Chăn nuôi bò thịt, bò sữa, vịt đàn, gà còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.

Kinh tế tỉnh Long An gắn với thị trường khoa học công nghệ và tiêu thụ nông sản của thành phố.

Liên kết giữa cực phát triển trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố vệ tinh, TP Tân An thị trấn Bến Lức, Đức Hòa, Hậu Nghĩa, Cần Đước, Cần Giuộc là tất yếu.

Làm tốt sự liên kết này, trong một đề án chung giữa các địa phương trong vùng dựa trên cơ sở phân công lao động, phát huy các lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả đầu tư, trong bối cảnh toàn cầu hóa là tất yếu của kinh tế thị trường.

Cần có các nhận định thực tiễn, các luận cứ khoa học vững chắc và các chính sách hữu hiệu để liên kết vùng giữa Thành Phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa lý kinh tế và nguồn nhân lực  trong vùng.

2.Bài học thực tiễn                                                                                               

Công Ty Cơ Khí Công Nông Nghiệp Bùi Văn Ngọ trước thập niên 1990 là một xưởng cơ khí nhỏ ở số 743A Đường Hậu Giang, Phường11, Quận  6, Thành phố Hồ Chí Minh.

Do yêu cầu phát triển từ năm 1990 công ty mở thêm xưởng sản xuất mới, khoảng 8.000m2 ở phường An Lạc, quận Bình Chánh, nay là quận Bình Tân là một vùng nông thôn ngoại thành trồng lúa nước, nuôi cá, trồng cây Bình Bát tháp Mãng Cầu, với đường An Dương Vương là trục giao thông chính.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, ùn tắc giao thông, ô nhiễm nguồn nước và không khí, phường An Lạc quận Bình Tân trở thành khu cư dân tập trung không có điều kiện phát triển công nghiệp.

Năm 2003 được sự chấp thuận về địa điểm,Công Ty Cơ Khí Công Nông Nghiệp Bùi Văn Ngọ Long An thực hiện dự án trên khu đất110.000m2 tại Ấp 5, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đầu tư nhà máy cơ khí mới.

Những nghiên cứu về công nghệ chế tạo thiết bị chế biến nông sản được cục sở hữu trí tuệ cấp, bằng độc quyền sáng chế, độc quyền giải pháp hữu ích, độc quyền kiểu dáng công nghệ có điều kiện được triển khai.

Hơn 30.000m2 nhà xưởng được xây dựng mới. Các thiết bị phục vụ cho ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp được đầu tư theo tiến độ phát triển của doanh nghiệp. Trình độ tự động hóa theo công nghệ CNC thế hệ mới được ứng dụng. Công nghệ cơ khí chế tạo máy có trình độ công nghệ ngang hàng với các nước có nền công nghệ cơ khí phát triển. Sự ứng dụng công nghệ phụ trợ toàn cầu, thích nghi với xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế. Sản phẩm cơ khí chế biến nông sản dạng hạt của công ty xuất khẩu sang Đông Nam Á,Châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Bắc Á, kể cả Châu Âu và Mỹ cạnh tranh hiệu quả trên thị trường thế giới.

Công nghệ cơ khí chế tạo máy của Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với những điều kiện của hệ sinh thái khởi nghiệp mới ở Long An cộng với nguồn nhân lực của địa phương và trong vùng đã tạo cho Công ty bước phát triển bền vững hơn, sức cạnh tranh cao hơn.

3. Những yêu cầu liên kết vùng giữa Tỉnh Long An và Thành Phố Hồ Chí Minh

3.1. Liên kết giao thông

Năm 1881 tuyến đường sắt Sài Gòn, Tân An, Mỹ Tho được bắt đầu khởi công. Ngày 20/07/1885 chuyến xe lửa đầu tiên xuất phát từ ga Sài Gòn vượt qua cầu Bến Lức, cầu Tân An và đến ga cuối cùng ở Thành phố Mỹ Tho.

Ngày nay, quốc lộ 1A, quốc lộ 50, tỉnh lộ 10 Thành phố Hồ Chí Minh về Long An trở nên quá tải, trở thành đường dân sinh xuyên qua các khu dân cư chật hẹp, đông đúc.    

Từ trung tâm thành phố Sài Gòn về Tân An, Thị trấn Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Cần Giuộc khoảng cách ≤ 50 km, tốc độ di chuyển bằng nhiều phương tiện giao thông công cộng đường bộ ≤ 30 km/giờ. Gây khó khăn cho việc đi lại của hành khách.

Các phương tiện giao thông công cộng chủ lực là xe bus nối từ Long An về thành phố bằng các xe không đạt chuẩn.

Tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên lưu thông hàng hóa càng khó khăn hơn.

Cần xây dựng các đường song hành mới từ Long An về Thành Phố Hồ Chí Minh với quốc lộ 1, quốc lộ 50, tỉnh lộ 10.

Các tuyến này phải tách giao thông côngcộng giao thông hàng hóa liên vùng ra khỏi giao thông địa phương, giao thông bằng phương tiện thô sơ.

Tốc độ giao thông phải  ≥ 60 km giờ để từ các đô thị vệ tinh vào trung tâm thành phố và từ trung tâm thành phố đến các đô thị vệ tinh ≤ 60 phút. Bằng các phương tiện giao thông công cộng hiện đại.

Các tuyến giao thông hàng hóa phải được thông suốt, không bị hạn chế bởi việc bất cập của kết cấu hạ tầng giao thông đô thị. Các tuyến giao thông song hành với các trục cũ nối kết Long An với thành phố Hồ Chí Minh phải dự trù phát triển 100 năm sau.

Tỉnh Long An gắn với Đồng Bằng Sông Cửu Long phải là địa phương làm hậu cần cho cư dân các đô thị TPHCM và miền Đông Nam Bộ. Giao thông cung ứng hàng hóa phải được nối kết liên tục và đảm bảo thông suốt.

Hệ thống sông Sài Gòn -Đồng Nai - Nhà Bè cùng với hệ thống Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây , Soài Rạp thông qua hệ thống kênh rạch chằng chịt của Đồng Bằng Sông Cửu Long là trục lưu thông hàng hóa nội thủy của vùng và ra biển phải được khai thác triệt để các mặt tối ưu của logistics.

3.2 Liên kết thực hiện các chương trình mục tiêu kinh tế chiến lược phát triển vùng

3.2.1 Về công nghiệp
Các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đã tạo ra bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa nền kinh tế tỉnh gắn với việc phát triển công nghiệp trong toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong đó Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò cực tăng trưởng chủ đạo.


Vấn đề cung cấp năng lượng, nguồn nhân lực kết nối hạ tầng, công nghiệp phụ trợ phải được giải quyết mang tính toàn cục trên cơ sở liên kết phân công lao động và phát huy ưu thế của từng địa bàn trong vùng kinh tế trọng điểm.

3.2.2 Về nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản

Long An là một tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long, chương trình phát triển nông nghiệp theo lượng cộng nghệ cao, giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Nông nghiệp tỉnh Long An chọn cây lúa, cây Thanh Long, cây rau màu, cây thuốc và con bò làm mũi đột phá.

Tổng diện tích gieo trồng lúa vào khoảng 500.000 ha sản lượng khoảng 2.8 triệu tấn/năm. Nông dân Long An có kỹ năng trồng lúa năng suất cao, chất lượng cao. Một số địa phương trồng các loại nếp đặc sản vào vụ đông xuân sản lượng lên đến 10 tấn/ha.


Thiết bị san phẳng đồng ruộng sử dụng tia Laze tại tỉnh Long An

Chương trình xây dựng vùng lúa chất lượng cao ở các huyện Đồng Tháp Mười cần các giải pháp khoa học công nghệ sau:

- San phẳng mặt ruộng với công nghệ điều khiển bằng tia laser

- Cày lật đất tạo tầng canh tác sâu 20 cm

- Cấy vùi phân bón tanchậm

- Canh tác theo chuẩn VietGap

- Bơm nước thông minh tiết kiệm nước

- Thu hoạch bằng máy gặtđập liên hợp vào thời điểm lúa chín cho gạo tốt nhất.

- Sấy lúa theo công nghệ sấy nhiệt gián tiếp bằng máy sấy tháp công nghiệp.

- Tồn trữ lúa trong silo.

- Xay xát lúa bằng công nghệ hiện đại.

- Tổ chức bao bì đóng gói gạo chất lượng cao.

- Chế biến dầu cám.

- Chế biến silic vô định hình từ vỏ trấu.

- Khai thác hiệu quả rơm rạ.


Cung ứng gạo tươi chất lượng cao cho thị trường đô thị và xuất khẩu.

Những chương trình khoa học công nghệ nêu trên sẽ giảm gia thành sản xuất lúa từ ≥ 3000đ/kg xuống ≤ 1800đ/kg.

Liên kết nghiên cứu khoa học công nghệ áp dụng vào thực tiển sản xuất trong một địa bàn kinh tế cụ thể, tạo giá trị tăng thêm trong chuỗi cung ứng và tổ chức sản xuất từ đồng ruộng đến bàn ăn sẽtạo ra mũi đột phá mới cho kinh tế nông nghiệp.

Liên kết trong việc phát triển ngành cơ khí nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm thị trường có yêu cầu như:

- Bộ điều khiển bằng tia laser để san phẳng mặt ruộng.

-Hệ thống thiết bị sản xuất phân bón thông minh tan chậm theo nhu cầu cây trồng.

-Máy cấy vùi phân bón tan chậm.

-Máy gặt đập liên hợp kết hợp với máy thu gom rơm rạ.

-Hệ thống sấy lúa silo tồn trữ.

-Thiết bị xây xát lúa gạo hiện đại và chế biến phụ phẩm trấu, tấm, cám v.v….

- Tái cơ cấu nông nghiệp cần cơ giới hóa trong canh tác để giảm giá thành, tăng năng suất lao động cần nhiều máy động lực và máy canh tác trên đồng.

Việc áp dụng internet vạn vật (IoT), công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), trong trồng trọt, thủy lợi cần nguồn nhân lực công nghệ cao và trí thức mới hoạt động trong nông nghiệp.

Chế biến nông sản chất lượng cao và cung ứng nông sản an toàn cần tổ chức mối liên kết theo chuỗi giá trị để tạo ra giá trị tăng thêm trong sản xuất nông nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản.

Điều này phải được thực hiện trong mỗi liên kết theo ngành và liên kết đa ngành trong tổng thể mối liên kết vùng.

Cây thanh long đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt tại huyện Châu Thành tỉnh Long An. Những thành tựu ban đầu về khoa học công nghệ như xông đèn, tổ chức sản xuất trái vụ và các giải pháp kỹ thuật canh tác mới đã đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Trồng Thanh Long sạch, theo hướng hữu cơ đã được đã được tổ chức thí điểm dự báo cáo tín hiệu tích cực.

Tổ chức bảo quản thanh long chất lượngcao bằng bao bì áp dụng phương pháp bảo quản mới bằng khí cải tiến. Chương trình sản xuất nước thanh long bằng công nghệ tiệt trùng trong bao bì bằng hộp giấy theo công nghệ Tetrapak, sẽ tạo ra giá trị tăng thêm cho trái thanh long. Điều này đòi hỏi có sự liên kết giữa các nhà khoa học nông nghiệp, công nghệ chế biến thực phẩm, công nghiệp.

Cơ khí chế tạo máy chế biến nông sản. Mối liên kết giữa nông gia, nhà khoa học, công ty đầu tư phải được sự dẫn dắt của Nhà nước trong nội hàm của mối liên kết vùng. Các cây ăn quả khác, cây thuốc và chăn nuôi gia súc, gia cầm thủy sản cũng phải tổ chức liên kết theo hướng này.Tổ chức thực hiện dự án Trung tâm công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp Đồng Tháp Mười, tập trung đầu tư vào chương trình xây dựng vùng lúa chất lượng cao, cần có sự liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp dẫn đầu đầu tư vào nông nghiệp trong vùng.

Ngày nay thế giới là một thị trường, thị trường nông sản chất lượng cao cung ứng từ đồng bằng Sông Cửu Long vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Miền Đông là lợi thế của mối liên kết khai thác thế mạnh và sự phân công lao động hợp lý của các vùng kinh tế trong nước. Cần phải làm tốt mối liên kết phân công lao động này.

3.3.3 Liên kết tạo sức bật mới giữa đô thị trung tâm và thành phố vệ tinh.

Sài Gòn xưa có hai đô thị vệ tinh là Chợ Lớn và Gia Định. Ngày 22-10-1956 chính quyền Miền Nam Việt Nam ký sắc lệnh 143/NV nhập Chợ Lớn vào Đô thành Sài Gòn. Sau năm 1975 tỉnh Gia Định nhập với Đô thành Sài Gòn đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh.

Thập niên 1960 trở về trước thành phố Hồ Chí Minh là đô thị phát triển có vai trò quốc tế trong khu vực, có phần nổi trội hơn các đô thị như Hong Kong, Singapore, Bangkok về trung tâm giao dịch quốc tế, thương mại, du lịch.

Sau đổi mới 1986 và phát triển khoa học công nghệ và giao lưu quốc tế, thành phố Hồ Chí Minh dần trở lại vai trò quốc tế, trở thành trục động lực phát triển kinh tế của vùng.

Những bất cập của việc phát triển công nghiệp ban đầu kéo theo tốc độ đô thị hóa nhanh đã phá vỡ quy hoạch thành phố. Tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, nhà ở cho cư dân đô thị và công nhân các khu cụm công nghiệp. Điều này đang lập lại tại Long An, gây ra những bất cập mới cần giải quyết sớm.

Quy hoạch đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh phải có các giải pháp căn cơ và lâu dài dự báo hàng chục đến cả trăm năm.

Giao thông thông suốt, giảm tối thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị sinh thái sạch và xanh. Tạo những điều kiện sống trong môi trường đô thị mới gần gũi với tự nhiên là hướng của phát triển đô thị mới.

Thành phố Hồ Chí Minh phải trở thành trung tâm khoa học công nghệ phát triển ở trình độ cao hơn, có điều kiện để cư dân sống tốt hơn, cạnh tranh với các cực phát triển quốc tế trong khu vực.

Long An có điều kiện xây dựng các đô thị vệ tinh cách trung tâm thành phố không quá 50 km. Cải tiến hệ thống giao thông và phương tiện đi lại công cộng hiện đại hơn để cư dân từ Long An vào trung tâm thành phố và ngược lại bằng các phương tiện đi lại công cộng, an toàn, hiện đại đạt chuẩn quốc tế tốc độ ≥ 60 km/h.

Sống và làm việc tại Long An, thành phố thuận tiện cho cư dân ở một môi trường tốt hơn, thuận tiện hơn trong một quy hoạch vùng tối ưu, bền vững, lâu dài phải là chiến lược của các mục tiêu quy hoạch cơ bản dài hạn.

Cần có cái nhìn tổng thể, chú ý đến sự phân công lao động phát huy ưu thế của cực tăng trưởng và các vệ tinh trên cơ sở phân công lao động hợp lý.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính, giao lưu thương mại dịch vụ quốc tế, trung tâm khoa học công nghệ kỹ thuật cao.

Các thành phố của tỉnh Long An như Tân An, Bến Lức, Đức Hòa, Hậu Nghĩa, Cần Đước, Cần Giuộc là các đô thị vệ tinh. Các đô thị này phát triển theo hướng công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, công nghiệp sinh học, kết hợp với nông nghiệp kỹ thuật cao trong canh tác và chế biến nông sản cung cấp nhu cầu nông sản chất lượng  cao cho cư dân đô thị.

3.3.4 Liên kết đổi mới thể chế quản trị doanh nghiệp và quản lý kinh tế vùng

Thành phố Hồ Chí Minh, Long An liên kết trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong một cơ chế phát triển vùng thốngnhất sẽ tạo ra bước đột phát mới mạnh mẽ tác dụng tích cực thúc đẩy sự phát triển trên toàn vùng và cả nước.

Theo nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải tỉnh Long An và thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu tạo ra bước đột phá mới trong chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường. Song trong 30 năm qua thể chế hành chánh tậptrung quan liêu, kém hiệu quả đã cản trở bước phát triển mới. Cơ chế tổ chức, thể chế quản lý hành chính nhà nước không chịu chuyển đổi là nguyên nhân chính của sự yếu kém hiện nay cản đà phát triển của đất nước.

Đổi mới thế chế quản lý hành chánh nhà nước, quản trị doanh nghiệp  quản lý nguồn nhân lực hiệu quả là yêu cầu của bước đổi mới kế tiếp. Không đột phá về đổi mới thế chế quản trị xã hội sẽ kéo chậm đà phát triển.

Từ những năm đầu của các thế kỷ trước Việt Nam phát triển sánh ngang bằng và có bước phát triển hơn các nước trong khu vực. Những phương pháp quản trị kinh tế và xã hội sai lầm đã đi ngược lại trào lưu phát triển chung so với các nước trong khu vực, là nguyên nhân chủ yếu làm chậm đà phát triển của dân tộc.

Đổi mới thể chế quản trị doanh nghiệp và quản lý kinh tế, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khu vực tư nhân làm lực lượng đột phá, liên kết theo chuỗi giá trị là lĩnh vực tập trung, khoa học công nghệ làm công cụ chủ yếu, hội nhập kinh tế vào thị trường thế giới là hướng phát triển, lấy nội lực làm yếu tố chính.

Đổi mới thể chế là yếu tố quyết định cho giai đoạn tăng trưởng mới, phát huy nguồn lực con người, trong hệ sinh thái tự do tư duy sáng tạo làm động lực đổi mới.

Nội dung chủ yếu thực hiện liên kết vùng giữa thành phố Hồ Chí Minh và Long An phải làm bước đột phá trong lĩnh vực này.





Các tin khác: