LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC & KĨ THUẬT TỈNH LONG AN
(Được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội II, ngày 27 tháng 5năm 2010)
CHƯƠNG I : Mục đích – Tôn chỉ
Điều 1: Liên hiệp các hội Khoa học và Kĩ thuật tỉnh Long An ( gọi tắt là Liên hiệp hội ) là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ tỉnh Long An. Liên hiệp hội tỉnh được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và đoàn kết.
Liên hiệp hội Long An là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An, đồng thời là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Toàn bộ hoạt động của Liên hiệp hội đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủyLong An.
Điều 2: Mục đích của Liên hiệp tỉnh hội là tập hợp đoàn kết nhằm phát huy sức mạnh sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế tri thức vì sự phát triểnbền vững của tỉnh, góp phần bảo vệ Tổ quốc và thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Điều 3: Liên hiệp hội hoạt động theo Điều lệ được đại hội đại biểu thông qua, phùhợp với Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và tuân thủ pháp luật của nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 4: Liên hiệp hội tỉnh hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh, có tư cách pháp nhân,có trụ sở riêng, có con dấu, tài sản, biên chế, có tài khoản tại ngân hàng.
CHƯƠNG II : Chức năng và Nhiệm vụ
Điều 5: Liên hiệp hội có các chức năng sau:
1. Tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở trong tỉnh, ngoài tỉnh, nước ngoài; điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội thành viên
2. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cuả các hội viên, hội thành viên,của trí thức khoa học và công nghệ trong tỉnh.
Điều 6: Liên hiệp hội có những nhiệm vụ sau:
1. Củng cố phát triển tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp hội điều hòa,phối hợp và hỗ trợ hoạt động của các hội thành viên.
2. Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ chức và cán bộ hội nhằm thựchiện các hoạt động:
2.1 Tư vấn, phản biện và giám định xã hội góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các dự án đầu tư quan trọng của Đảng và Nhà nước trong tỉnh.
2.2 Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ thích hợp vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường, thực hiện giám sát hoạt động nghề nghiệp và các dịch vụ công khác.
2.3 Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ trong nhân dân. Tổ chức, hướng dẫn vàkhuyến khích ý tưởng sáng tạo của quần chúng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
2.4 Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục-đào tạo và dạy nghề, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đàotạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
2.5 Tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các hoạt động xã hội hóa khác.
3. Thực hiện công tác vận động trí thức khoa học và công nghệ.
3.1 Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần hợp tác, tính công đồng, tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp.
3.2 Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luậtcủa Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực khoa học & công nghệ.
3.3 Vận động trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng quê hương Long An.
3.4 Tạo điều kiện nâng cao trình độ nghề nghiệp, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của những người làm công tác khoa học và công nghệ.
4. Thực hiện vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
4.1 Phối hợp với các tổ chức thành viên khác của MTTQ VN triển khai các hoạt động chung nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
4.2 Phản ánh nguyện vọng và ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với Đảng, Nhà nước và MTTQ VN tỉnh.
5. Hợp tác với các hội, các tổ chức phi chính phủ theo qui định của pháp luật
CHƯƠNGIII : Thành viên của Liên hiệp hội
Điều 7: Liên hiệp hội Long An có các Hội thành viên chính thức, các hội thành viên liên kết và thành viên danh dự, các cá nhân, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trong tỉnh và ngoài tỉnh , tự nguyện gia nhập Liên hiệp hội.
- Hội thành viên chính thức là các hội, hiệp hội hoạt động hợp pháp trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học - công nghệ trong tỉnh tán thành điều lệ Liên hiệp hội có đủ tiêu chuẩn theo qui định của Điều lệ
- Hội thành viên liên kết và thành viên danh dự là các hội, hiệp hội, các trungtâm, các cá nhân…không có điều kiện trởthành hội viên chính thức, tán thành Điều lệ của Liên hiệp hội, tự nguyện gia nhậpLiên hiệp hội.
- Hội viên liên kết và thành viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức của LHH, trừ quyền biểu quyết
Điều 8: Liên hiệp hội được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh. Tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số.
Điều 9: Các hội thành viên là những tổ chức có quyền tự chủ, tự quản có điều lệ hoặc quy chế tổ chức và hoạt động riêng phù hợp điều lệ của Liên hiệp hội tỉnh và chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của Ban chấp hành Liên hiệp hội.
Điều 10: Nghĩa vụ của các hội thành viên.
1. Chấp hành điều lệ của Liên hiệp hội.
2. Thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành Liên hiệp hội. Không ngừng mở rộng ảnh hưởng và nâng cao vị thế của Liên hiệp hội, vận động hội viên hưởng ứng các hoạt động của Liên hiệp hội.
3. Củng cố khối đại đoàn kết trong Liên hiệp hội và hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động.
4. Đóng góp cho hoạt động của Liên hiệp hội.
Điều 11: Quyền của các hội thành viên chính thức:
1. Cử đại diện tham gia Ban chấp hành Liên hiệp hội tỉnh.
2. Tham gia thảo luận và quyết định các chủ trương chung của Liên hiệp hội.
3. Được Liên hiệp hội tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ trong hoạt động hội.
4. Tham gia các tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hội.
5. Hưởng các quyền lợi do Liên hiệp hội quy định.
Điều 12: Quyền và nghĩa vụ của hội viên liên kết và thành viên danh dự và các cá nhân tự nguyện tham gia Liên hiệp hội.
Hội viên liên kết và thành viên danh dự và các cá nhân tự nguyện tham gia Liên hiệp hội không bị ràng buộc bởi điều 9 của Bảng Điều lệ này.
CHƯƠNG IV: Cơ quan lãnh đạo của Liên hiệp hội
Điều 13: Cơ quan lãnh đạo của Liên hiệp hội được bầu cử và hoạt động theo nguyên tắcdân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số.
Điều 14: Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp hội là đại hội đại biểu của Liên hiệp hội.
Đại hội 5 năm một lần và có thể họp bất thường khi có yêu cầu của trên ½ số hội thành viên.
Sốlượng và thành phần cơ cấu đại biểu tham dự Đại hội do Ban chấp hành Liên hiệp hội quy định.
Điều 15: Đại hội đại biểu của Liên hiệp hội có nhiệm vụ:
1. Thông qua báo cáo tổng kết của Ban chấp hành Liên hiệp hội trong nhiệm kì qua,quyết định phương hướng hoạt động của Liên hiệp hội trong nhiệm kì tới.
2. Thảo luận, biểu quyết việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của Liên hiệp hội.
3. Bầu Ban chấp hành Liên hiệp hội và bầu đại biểu đi dự đại hội Liên hiệp hội Trung ương.
Điều 16: Thành phần Ban chấp hành Liên hiệphội gồm:
- Đại diện của tất cả các hội thành viên.
- Một số ủy viên liên kết.
- Một số ủy viên danh dự
- Một số cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ.
Ban chấp hành Liên hiệp hội thường lệ mỗi năm họp 2 lần và có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Ban thường vụ hoặc hơn ½ tổng số ủy viên Ban chấp hành.
Ban chấp hành có nhiệm vụ:
- Tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Liên hiệp hội.
- Chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Liên hiệp hội giữa 2 kì đại hội.
Nhiệm kì của BCH Liên hiệp hội là 5 năm.
Điều 17: Ban chấp hành có quyền quyết định cơ cấu tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của mình; quyết định kết nạp các hội thành viên mới, bổ sung, thay đổi, miễn nhiệm các uỷ viên của Ban chấp hành Liên hiệp hội; chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các hội thành viên.
Điều 18: Ban chấp hành bầu ra Ban thường vụ , Ban Thường trực và Ủy ban Kiểm tra, bầu Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Ủy viên thư kí ( hoặc Tổng thư kí ), Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra, và các ủy viên trong số các ủy viên của Ban chấp hành. Thể thức bầu cử do Ban chấp hành quyết định.
Điều 19: Ban Thường vụ gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư kí, chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra và một số ủy viên Ban chấp hành .
- Ban Thường vụ thay mặt Ban chấp hành chỉ đạo và kiểm tra toàn bộ hoạt động củaLiên hiệp hội giữa 2 kì họp của Ban chấp hành.
- Ban Thường vụ họp lệ kỳ 3 tháng một lần. Chủ tịch có quyền triệu tập các cuộc họp bất thường của Ban thường vụ.
Ban Thường vụ qui định nhiệm vụ cụ thể của các ủy viên
- Chủ tịch là người chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Liên hiệp hội. Các Phó chủ tịch, Ủy viên thư kí (hoặc Tổng thư kí ) thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch.
Điều 20: Ban Thường vụ có quyền thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức,bộ máy của cơ quan Liên hiệp hội, các tổ cức chuyên môn và các tổ chức trựcthuộc.
Điều 21: Ban Thường trực Liên hiệp hội gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch chuyên tráchvà các ủy viên Ban thường vụ chuyên trách.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường trực:
1. Chuẩn bị các hội nghị của Ban Thườngvụ và giúp Ban Thường vụ chuẩn bị các hội nghị của Ban Chấp hành
2. Tổ chức thực hiện chương trình công tác theo nghị quyết của Ban chấp hành.
3. Tổ chức, chỉ đạo, quản lý bộ máy Văn phòng Liên hiệp hội.
4. Giữ mối quan hệ phối hợp công tác vớicác cơ quan Nhà nước, các hội thành viên.
5. Ban Thường trực họp mỗi tháng 1 lần.
Điều 22: Ban chấp hành bầu ra Ủy ban Kiểm tra của Liên hiệp hội, quyền hạn và nhiệmvụ của Ủy ban Kiểm tra như sau:
- Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Liên hiệp hội và quy chế hoạt động của Liên hiệp hội tỉnh, việc thực hiện nghị quyết Đại hội của Liên hiệp hội Việt Nam và của Liên hiệp hội tỉnh.
- Kiểm tra các hoạt động kinh tế, tài chính và các hoạt động khác của Liên hiệp hội.
- Hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Kiểm tra các hội thành viên.
- Xem xét và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo.
- Ủy ban Kiểm tra chịu sự lãnh đạo của Ban chấp hành.
Điều 23: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra là ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp hội.
- Cơ cấu, số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, thể thức bầu cử Ủy ban Kiểm tra Liênhiệp hội do Ban chấp hành quyết định.
- Ủy ban Kiểm tra thường lệ 6 tháng họp 1 lần và có thể họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch Liên hiệp hội hoặc của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.
- Nhiệm kì của Ủy ban Kiểm tra theo nhiệm kì của Liên hiệp hội.
- Ủy ban Kiểm tra làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.
CHƯƠNG V: Tài sản và tài chính
Điều 24: Nguồn tài chánh, tài sản của Liên hiệp hội gồm có:
1. Ngân sách Nhà nước cấp.
2. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Liên hiệp hội.
3. Đóng góp của các hội thành viên và các tổ chức trực thuộc.
4. Ủng hộ bằng tiền và hiện vật của các cá nhân, các tổ chức và đoàn thể trong nước và ngoài nước.
5. Các nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 25: Tài chính và tài sản của Liên hiệp hội được quản lý và sử dụng theo quy định của Ban Thường vụ Liên hiệp hội và các quy định hiện hành của nhà nước.
Điều 26: Liên hiệp hội tổ chức và thành lập các quỹ hỗ trợ hoạt động khoa học- công nghệ theo quy định của pháp luật.
CHƯƠNG VI: Khen thưởng và kỷ luật
Điều 27: Các Hội thành viên, các tổ chức trực thuộc, các hội viên có thành tích trong công tác hội được Liên hiệp hội tỉnh khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Điều 28: Các hội thành viên, các tổ chức trực thuộc và các hội viên vi phạm Điều lệ của Liên hiệp hội tỉnh thì bị thi hành kỷluật ( khiển trách, cảnh cáo, khai trừ ra khỏi hội)
CHƯƠNG VII: Điều khoản thi hành
Điều 29: Bảng Điều lệ này gồm 7 chương, 29 điều, được Đại hội đại biểu của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Long An lần thứ II thông qua ngày 27 tháng 5 năm 2010 thay cho Bảng Điều lệ Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Long An lần thứ I ( 2005 - 2010 ).
Chỉ có Đại hội đại biểu của Liên hiệp hội mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ này.
Điều lệ này có hiệu lực thi hành sau khi có Quyết định phê chuẩn của UBND tỉnh Long An.