Thứ Sáu,09/05/2025 14:56   Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Long An !.

Tìm kiếm

Số lượt truy cập

Người dùng Online

Thành Viên Online Thành Viên Online:
Khách Khách: 13
Thành Viên Thành Viên: 0
Tổng Số Tổng Cộng: 13

Nghiên cứu – Trao đổi

Nhớ về những ngày Tháng tư năm 1975 ở Cần Đước 28/04/2025


- Tình hình Cần Đước đến đầu năm 1975

Huyện Cần Đước lúc bấy giờ về phía VNCH gồm hai quận là Cần Đước và Rạch Kiến. Về mặt quân sự ở cấp quận gọi là chi khu do quận trưởng làm chi khu trưởng. Ở cấp xã thì tổ chức thành phân chi khu.

Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng chi khu Cần Đước là trung tá Nguyễn văn Bê, Chi khu phó là thiếu tá Nguyễn Văn Văn. Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng Chi khu Rạch Kiến là thiếu tá Nguyễn Văn Bé. Mỗi chi khu còn có một số Ban chuyên môn tham mưu cho Chi khu trưởng từng lĩnh vực như Ban một (quân số), Ban hai (an ninh), Ban ba (hành quân), Ban tư (tiếp liệu), Ban năm (chính trị), Ban sáu (truyền tin)...Trưởng ban thường từ trung úy đến đại úy.

Chi khu Cần Đước có 32 trung đội lính nghĩa quân và hai đại đội địa phương quân. Chi khu Rạch Kiến có 21 trung đội lính nghĩa quân và hai tiểu đoàn lính địa phương quân của tiểu khu Long An là TĐ 307 và TĐ 311 thường xuyên hoạt động và một tiểu đoàn lính thuộc sư 22 có pháo 105 ly đóng tại Rạch Kiến. Khi tiến hành chiến dịch bình định từ năm 1970, phía VNCH đã tuyển lính xây dựng các trung đội nghĩa quân và cho xây dựng trên địa bàn một hệ thống đồn bót đóng dầy đặc, mỗi đồn là một trung đội nghĩa quân với khoảng 30 quân. Như vậy, trên địa bàn huyện Cần Đước lức bấy giờ chỉ tính riêng lực lượng nghĩa quân đã có trung đội, tương đương khoảng 1.500 quân. Mỗi xã có từ hai đến ba đồn lính nghĩa quân. Trung đội trưởng nghĩa quân thường là trưởng thành từ lính, người địa phương và được đào tạo bài bản với ba khóa huấn luyện về chỉ huy, tình báo…nên nắm rất chắc quân và địa bàn đóng quân. Ngoài ra xã còn có một cuộc cảnh sát, trưởng cuộc thường do một sĩ quan cấp thiếu úy, được đào tạo chính quy từ trường sỹquan cảnh sát Thủ Đức. Có một toán cán bộ bình định. Ở mỗi ấp còn có các toán nhân dân tự vệ được tổ chức từ số thanh niên dưới 18 tuổi chưa đến tuổi đi lính, có quân số từ 15 đến 20 người, được trang bị súng tự động carbin và ngay cả súng trung liên. Ở mỗi xã dưới quyền của phân chi khu trưởng có một lực lượng quân sự khoảng 200 người. Trên địa bàn huyện Cần Đước đến tháng 4/75 có 53 trung đội lính nghĩa quân với khoảng 1.500 quân, cộng thêm 02 đại đội và 02 tiểu đoàn địa phương quân, 01 tiểu đoàn sư 22, cộng các toán nhân dân tự vệ ở các ấp, cộng lực lượng cảnh sát từ chi cảnh sát quận đến các cuộc cảnh sát xã, cộng lực lượng lính bình định nông thôn, trưởng ấp thì toàn bộ lực lượng VNCH ở Cần Đước không dưới 2.500 người.

- Tình hình Cần Đước 10 ngày cuối tháng 4/1975

+ Trong chiến dịch HCM giải phóng Sài Gòn tháng 4 năm 1975 có năm cánh quân tiến vào từ năm hướng, trong đó Đoàn 232 được giao nhiệm vụ tấn công vào hướng Tây và Tây Nam Sài Gòn do trung tướng Lê Đức Anh chỉ huy, đồng chí Lê Văn Tưởng làm chính ủy. Tham gia có các sư đoàn chủ lực của Miền như sư đoàn 5, sư đoàn 8,về phía Long An có hai đơn vị là tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn k45. Huyện Cần Đước nằm trên đường hành quân của Đoàn 232. Đoàn 232 vượt sông Vàm Cỏ Đông đổ bộ lên địa bàn huyện Cần Đước khoảng ngày 17 tháng Tư, gồm có tiểu đoàn 1 LA qua ngã xã Phước Tuy và trung đoàn 88 qua ngã xã Long Sơn, Tân Trạch tiến về Sài Gòn theo hướng Cần Giuộc, quận 8 để vào chiếm các mục tiêu như Tổng nha cảnh sát, cảng Sài Gòn...LLVT Cần Đước có nhiệm vụ phối hợp và hỗ trợ cho các đơn vị của đoàn 232 khi hành quân qua địa bàn. Lúc này bộ đội địa phương Cần Đước có 01 đại đội là C315 và một ít du kích xã. Tiểu đoàn 1 LA từ Chợ Gạo về xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ vượt sông Vàm Cỏ Đông sang địa bàn xã Phước Tuy, Cần Đước.Trên địa bàn này đối phương có bố trí một số đồn bót như đồn Cầu Hàn, đồn Ba Cây, đồn Xóm Bồ, đồn bến đò Xã Bảy. Trung đoàn 88 cũng vượt sông sang địa bàn xã Tân Trạch, Long Sơn. Ở khu vực này có các đồn Long Sơn, Long Cang, Phước Vân cũng khá kiên cố.
Trước tình hình này trung tá Bê, quận trưởng Cần Đước đã điện lệnh cho các trưởng đồn ở Phước Tuy phải tử thủ. Tương quan lực lượng trên địa bàn Phước Tuy lúc nầy nghiêng về quân giải phóng. Các trưởng đồn vì chấp hành lệnh tử thủ và đối đầu với quân giải phóng trong thế yếu nên lính bị thương vong khá nhiều. Đồn Xóm Bồ, Phước Tuy do trưởng đồn Hai Cao Bồi chỉ huy rút vào đồn tử thủ nhưng sau ba ngày đêm đã phải kéo cờ trắng ra hàng (22-23/4). Khi các đồn Ba Cây và Xóm Bồ (Phước Tuy) bị xoá sổ, thì đồn Cầu Hàn đứng trước tình hình nguy ngập và có nguy cơ bị tiêu diệt. Mặc cho lệnh tử thủ của quận trưởng Bê, thiếu úy S. trưởng đồn đã chọn giải pháp cho quân rút lui theo đường sông lúc nửa đêm chạy về quận lỵ, sau khi đã thỏa thuận được với bạn của mình là thiếu úy A. đang chỉ huy trung đội lính bảo vệ vòng ngoài thị trấn, vì họ được lệnh của chi khu trưởng được quyền bắn hủy diệt bất cứ người lính nào từ Phước Tuy bỏ ngũ chạy về. Với quyết định dũng cảm này thiếu úy Sơn. đã cứu cho nhiều bình sĩ dưới quyền không phải chịu chết oan uổng vì cái lệnh tử thủ ngoan cố của quận trưởng Bê. Nhưng khi đưa được quân về đến chi khu thì thiếu úy S. phải chịu nhục khi bị trung tá Bê thoá mạ và dọa sẽ đưa ra tòa án binh vì cái tội không chấp hành lệnh tử thủ. Nhưng rồi chỉ khoảng một tuần sau, khoảng 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4 thì đến lượt trung tá Bê cùng một số thuộc hạ cũng phải bỏ lại quân tướng tìm đường chạy thoát thân, không còn có dịp đưa úy Sơn ra tòa án binh như đã dọa, trong khi thiếu úy S. an toàn trở về nhà mình trong thị trấn.
Tiểu đoàn 1 LA sau khi bốc dỡ các đồn ở Phước Tuy đã tiến chiếm đồn Chợ Đào, xã Mỹ Lệ ngày 23/4, cho nổ mìn sập cầu Chợ Đào và thẳng tiến về hướng Sài Gòn. Chi khu Cần Đước không còn khả năng tái chiếm những khu vực này mà buộc phải co cụm trong thế hoang mang. Phước Tuy, Chợ Đào được giải phóng làm cho Chi khu Cần Đước bị đe sườn và đường liên lạc với chi khu Rạch Kiến và quốc lộ 4 bị cắt đứt. Từ Chợ Đào quân giải phóng đã cho bắn pháo 60 ly vào căn cứ pháo binh Cần Đước nhưng vì quá tầm nên đều rơi ngay Xóm Đáy, may mà không có thương vong cho dân. Cùng lúc đó Trung đoàn 88 đổ bộ sang Tân Trạch, Long sơn phối hợp với C315 bứt rút các đồn Long Sơn, đồn Bến Bạ (Tân Trạch), đồn Cái, đồn Vàm Ông Bình ( Long Cang), đồn Long Định và tiến thẳng về Sài Gòn. Đc 9 B, huyện đội phó, tham mưu trưởng C315 đã có sáng kiến sử dụng 05 ghe đáy kết lại thành cầu phao cho bộ đội và binh khí trung đoàn 88 vượt sông Đôi Ma nhanh chóng và an toàn. Đồn Long Sơn do lính tiểu đoàn 311 đóng quân đã bị bứt rút bỏ đồn. Bộ đội C315 khi vào chiếm đồn đã thu được nhiều súng đạn trong đó có một thùng thuốc trụ sinh. Số thuốc quý này đã được chuyển nhanh về trạm quân y huyện để sử dụng điều trị kịp thời cho một số thương bệnh binh nặng. 

- Kết thúc chiến tranh - Giải phóng quê hương

10 giờ 30 sáng ngày 30/4/75 Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh trên đài phát thanh Sài Gòn yêu cầu các đơn vị quân VNCH đóng ở đâu ở đó chờ lệnh và không được nổ súng. Quân VNCH trước sức tấn công của quân giải phóng vốn đã hoang mang lại càng thêm mất tinh thần khi nhận được lệnh này. Dù rất ngoan cố nhưng đến tình thế này trung tá Bê, quận trưởng kiêm Chi khu trưởng Cần Đước cũng còn đủ thông minh để biết rằng đã đến hồi kết thúc và chọn cách 'dĩ đào vi thượng', cùng một số sĩ quan vội vã qua phà Mỹ Lợi chạy sang Gò Công tìm đường xuống tàu ra biển.

11 giờ 30 Tổng thống Dương Văn Minh chính thức tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh Sài Gòn đã làm cho tinh thần quân VNCH cơ bản bị sụp đổ hoàn toàn. Lúc này ở chi khu Cần Đước, sau khi quận Bê và các sĩ quan trưởng các ban chi khu bỏ chạy, thì thiếu tá Nguyễn Văn Văn, là phó quận trưởng kiêm chi khu phó, vẫn ở lại với khoảng 20 nhân viên thuộc các ban chi khu, chờ đón quân giải phóng vào. Cùng thời gian này đồng chí 2 Núi đang ở xã Tân Ân cùng với tổ du kích 5 người vừa mới thành lập là những người đầu tiên của lực lượng cách mạng vào chi khu Cần Đước. Lực lượng cách mạng vào tiếp quản chi khu Cần Đước rất ít người nhưng diễn ra êm thấm là nhờ tình thế thắng lợi chung. Nhưng để đảm bảo an toàn nên toàn bộ số sĩ quan và binh lính còn lại ở chi khu và thị trấn ngay chiều tối 30/4 đã được tập hợp và chia thành nhiều toán đưa vào tạm ở nhà dân trong xã Phước Tuy, vài ngày sau mới lần lượt được cho về nhà.

- Giải phóng Rạch Kiến

Từ sáng đến trưa ngày 30/4, C315 vẫn còn quần nhau với lính sư đoàn 22 trên địa bàn xã Tân Trạch, ngay sát chi khu Rạch Kiến. Pháo 105 ly ở Rạch Kiến vẫn còn bắn vào trận chiến khoảng 30 quả. Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì lính sư đoàn 22 mới bỏ chạy. Bộ đội C315 tiến hành truy kích chiếm lĩnh ngã tư Tân Trạch và từ đó tiến thẳng vào quận lỵ Rạch Kiến qua ngả cầu chợ Rạch Kiến và được lệnh không được bắn hàng binh trừ khi họ ngoan cố chống cự. Khi gặp quân giải phóng lính sư đoàn 22 tuy không còn kháng cự nhưng vẫn chưa buông súng. Lúc đó khoảng 2 giờ chiều.  Khi nghe quân giải phóng kêu gọi đầu hàng thì lính sư đoàn 22 mới chịu buông súng. Bộ đội C315 tiến hành chiếm giữ các vị trí trọng yếu như chi khu, chi cảnh sát, căn cứ pháo binh và tiếp tục truy kích về hướng ngã tư Xoài Đôi và chiếm xã Long Trạch. Ngay sau đó thì đồng chí Hai Tần, bí thư huyện uỷ và đồng chí Út Thôi, huyện đội trưởng từ Long Sơn cũng di chuyển vào đến Rạch Kiến.

Đồng chí Hai Tần và BCH huyện đội vào Rạch Kiến được một ngày thì chuyển về làm việc chính thức ở Cần Đước. C315 cũng chuyển về đóng quân ở lầu Bà Sáu (Cần Đước). Uỷ ban quân quản huyện Cần Đước nhanh chóng được thành lập do đồng chí 7 Tân Hoà làm chủ tịch. Chi bộ thị trấn Cần Đước cũng được nhanh chóng tái lập. Đồng chí Hai Mỳ (Nguyễn Văn Mỳ) phụ trách bí thư kiêm chủ tịch uỷ ban quân quản thị trấn Cần Đước. Một bộ phận của sư đoàn 8 trên đường hành quân cũng được điều vào đóng quân trên địa bàn thị trấn làm chỗ dựa cho chính quyền non trẻ vừa mới thành lập. Một trạm quân y dã chiến cũng được thành lập do quân y Cần Đước đảm nhiệm và tạm sử dụng trường trung học Cần Đước để đáp ứng nhu cầu điều trị thương binh trong chiến dịch của sư đoàn 8 đang ở trên địa bàn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Đước bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới, cùng cả nước xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lòng mong muốn của lãnh tụ Hồ Chí Minh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Đông - Nguyên BTHU Cần Đước, nguyên PTBTGTU Long An






 




Các tin khác: