Nguyễn Văn Tiếp (1900-1947) sinh tại xã Long Phú, Trung Quận tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Thạnh Phú,huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong một gia đình trung lưu. Nguyễn Văn Tiếp và người em trai là Nguyễn Văn Nhâm được gia đình gửi lên ăn học ở Sài Gòn. Tại đây, Nguyễn Văn Tiếp có điều kiện tiếp xúc với sách báo tiến bộ cùng với phong trào đấu tranh của thanh niên, công nhân và trí thức ở những năm đầu của thập kỷ XX nên sớm có tư tưởng yêu nước. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm trung cấp,Nguyễn Văn Tiếp xin về dạy ở trường tiểu học Thanh Hà vừa dạy học, vừa tham gia các cuộc vận động phong trào yêu nước lúc bấy giờ như cuộc đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu, phong trào để tang và truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, phong trào Hội kín Nguyễn An Ninh mà Bến Lức là một trong những điểm mạnh nhất của tổ chức này.
Nguyễn Văn Tiếp bị thực dân Pháp bắt và giam ở Cần Thơ nhưng do không đủ chứng cớ để buộc tội,nên một thời gian sau chúng phải thả ông ra. Cuối năm 1929, khi đồng chí Lê Văn Lương được Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản đảng cử về hoạt động gầy cơ sở ở vùng Trung Quận và Cần Đước, thì Nguyễn Văn Tiếp tham gia vào tổ chức này. Sau khi thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ làng Long Phú (3-1930) - một trong số chi bộ được thành lập sớm nhất ở tỉnh Chợ Lớn.
Ngày 5/5/1930, đồng chí Nguyễn Văn Tiếp cùng em trai là Nguyễn Văn Nhâm và một số đồng chí khác tập hợp nông dân các xã vùng ven kéo vào quận lỵ Trung Quận (thị trấn Bến Lức ngày nay) để hưởng ứng cuộc biểu tình đòi giảm sưu, giảm thuế của Nông dân Chợ Mới (tỉnh Long Xuyên) do đồng chí Châu văn Liêm tổ chức nhân ngày 1/5/1930. Sau cuộc biểu tình này, cả hai anh em đồng chí bị bắt cùng với 19 người khác. Đồng chí Nguyễn Văn Tiếp bị thực dân Pháp kết án chung thân, dày ra Côn đảo. Trong khi đó, Nguyễn Văn Nhâm cùng với nhiều đồng chí khác đã bị chúng đưa đi xử bắn trong một đêm tại Gò vấp. Cuối năm 1936, do áp lực của phong trào đấu tranh cách mạng ở trong nước lên cao và phong trào Mặt trận bình dân ở Pháp, chính quyền thuộc địa buộc phải ân xá một số tù chính trị,trong đó có đồng chí Nguyễn văn Tiếp. Trở về quê nhà một thời gian ngắn, đồng chí lại thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Trong cuộc khủng bố trắng của Pháp sau thất bại của Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, đồng chí Nguyễn Văn Tiếp bị bắt và bị kết án chung thân, đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Cách mạng tháng tám thắng lợi, cũng như các chiến sĩ khác từ Côn đảo trở về, trước tình hình khẩn trương của đất nước lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Văn Tiếp không một ngày ngơi nghỉ, tiếp tục tham gia ngay vào hoạt động cách mạng. Khi giặc Pháp gây hấn ở Sài Gòn sẽ đánh chiếm các tỉnh lân cận, đồng chí Nguyễn Văn Tiếp được phân công về làm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính Mỹ Tho, kiêm Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ và được bổ sung vào Xứ uỷ Nam Bộ. Giữa năm 1947, trong khi chủ trì một cuộc hội nghị đặt tại căn cứ ở Đồng Tháp Mười, do tình hình sức khoẻ bị kiệt quệ trong những năm tháng tù đày và do làm việc quá căng thẳng, đồng chí Nguyễn Văn Tiếp ngã bệnh và mất đột ngột vào ngày 15/6/1947. Thi hài của đồng chí được chôn cất tại Ấp Bắc,xã Tân Phú, hyện Cay Lậy, tỉnh Mỹ Tho ( nay là Tiền giang).
Đồng chí Nguyễn Văn Tiếp là người có công xây dựng phong trào kháng chiến ở Mỹ Tho và ở Khu 8 nói chung trong những năm đầu chống Pháp. Để ghi nhớ công lao của đồng chí Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam bộ đã chấp thuận đề nghị của tỉnh Mỹ Tho, lấy tên Nguyễn Văn Tiếp đặt cho con kênh lớn nhất của tỉnh dài 43 km, chảy từ Đồng Tháp Mười ra sông Tiền.
Tên đồng chí nguyễn Văn Tiếp cũng được đặt cho một tiểu đoàn chủ lực có nhiều chiến công của tỉnh Chợ Lớn, tiểu đoàn Nguyễn Văn Tiếp thuộc trung đoàn 308 do đồng chí Trương Văn bang làm tiểu đoàn trưởng và đồng chí Lưu Quang Tuyến làm chính trị viên./.
Bài và ảnh: T.T.B
|