Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng thời tiết rất bất thưởng, hạn hán, nhiệt độ cao làm độ bốc hơi nước ở lớp đất mặt tăng nhanh, ảnh hưởng sinh trưởng cây trồng. Để hạn chế việc bốc hơi nước do nhiệt độ cao cho cây trồng trong mùa khô, nông dân thường dùng các vật liệu như rơm rạ, lục bình, thảm chỉ xơ dừa. v.v…để tủ gốc cây. Bên cạnh đó, nhà vườn còn dùng cỏ dại để tạo lớp phủ thực vật, hạn chế bốc hơi nước, giử ẩm, chống xói mòn đất mặt. Trong đó, cây đậu phộng dại đã thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội. Cây Đậu phộng dại, còn được gọi là Lạc dại có tên khoa học là Arachis pintoi, thuộc cây Họ Đậu Fabaceae, có thân mọc bò dài, hoa màu vàng, thường được trồng nhiều ở các công viên. Do có đặc điểm là sinh trưởng nhanh nên sau khi trồng, cây đậu phộng dại đã nhanh chóng tạo thành lớp thảm dày che phủ trên mặt đất, tạo điều kiện để hạn chế sự bốc hơi nước và khống chế cỏ dại rất tốt. Ngoài ra, đậu phộng dại còn giúp hạn chế nước mưa làm xói mòn lớp đất mặt, dinh dưỡng ít bị rữa trôi, rất phù hợp với hình thức canh tác hữu cơ hoặc canh tác theo qui trình GAP.
Hình: Đậu phộng dại sinh trưởng nhanh sau khi trồng tạo thành lớp thảm thực vật che phủ mặt đất
Đậu phộng dại không kén đất, có thể sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất trồng. Chúng được nhân giống vô tính. Khi thân dây đậu mọc dài và lá chuyển sang màu hơi vàng thì có thề cắt thân đậu thành những đoạn 30-50 cm đem nhân giống. Dùng cuốc móc các rãnh nhỏ xung quanh gốc cây ăn trái,cách gốc khoảng 1m. Đặt 2-3 hom giống xuống, lắp đất lại rồi dùng tay ém chặc.Sau khi trồng, tưới nước liên tục khoàng 10 ngày để dây đậu mau bén rễ. Nên trồng vào mùa mưa để đỡ tốn công tưới. Dây đậu phộng dại khi phát triển sẽ mọc phủ kín cả gốc cây ăn trái. Khi cần bón phân cho cây ăn trái, chỉ cần dùng tay kéo nhẹ dây đậu sang 1 bên thì có thể thực hiện việc bón phân dễ dàng. Đậu phộng dại phát triển tốt trong điều kiện bóng râm trong vườn cây ăn trái. Đặc biệt, thân dây đậu có thể chịu được các tác động dẫm đạp do nhà vườn đi lại khi chăm sóc vườn mà không bị ảnh hưởng đến sinh trưởng.
Về mặt sinh học, vì là cây họ đậu nên bộ rễ đậu phộng dại có nhiều nốt sần chứa nhiều vi khuẩn cộng sinh, có khả năng hút được nguồn Đạm từ không khí, tạo thêm nguồn dinh dưỡng cho cây trồng và cải tạo đất rất tốt. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp (NOMAFSI),đậu phộng dại có khả năng cố định được 200-300 kg N/ha/năm. Lượng chất xanh của cây đậu phộng dại sau khi trồng trên 1 năm có thể trả lại cho đất lượng chất dinh dưỡng rất cao (595 kgN/ha, 140 kg P2O5 /ha, 200 kg K2O/ ha). Ngoài ra, lớp thảm thực vật tạo ra từ cây đậu phộng dại do có tác dụng giữ độ ẩm cho đất nên đã tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động, ổn định độ pH đất, giúp cây trồng hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Nếu so sánh việc dùng rơm tủ gốc cây theo kiểu truyền thống để hạn chế sự bốc hơi nước cho cây trồng thì việc trồng dậu phộng dại sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn. Rơm tủ gốc chỉ có tác dụng khoảng 2-3 tháng rồi sẽ bị phân huỷ thành chất hữu cơ, không thể kéo dài tác dụng lâu hơn.Hơn nữa, nhà vườn còn phải tốn tiền mua rơm và tiền công tủ gốc. Bình quân 1 ha thanh long, nhà vườn phải tốn trung bình 7-8 triệu đồng tiền mua rơm và công tủ gốc.
Tóm lại, trồng cây đậu phộng dại trong vườn cây ăn trái sẽ tạo điều kiện để hạn chế việc mất hơi nước trong mùa nắng nóng, giữ ẩm cho đất trồng, khống chế cỏ dại, phát huy tối ưu sinh khối, tận dụng khả năng cố định đạm, tạo được thảm mục hữu cơ tăng lượng dinh dưỡng tích luỹ cho đất, giúp giảm bớt việc sử dụng phân hoá học. Như vậy, về tác dụng lâu dài, trồng đậu phộng dại trong vườn cây ăn trái chính là giải pháp giúp nhà vườn thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Tùng - Hội Làm Vườn
|