Sau khi thành lập vào tháng 6 năm 2024; sáng ngày 10/9/2024, Ban điều hành Câu Lạc Bộ Canh tác Thông Minh (CLBCTTM) trên Sầu riêng – Xã Tân Hiệp đã tổ chức buổi sinh hoạt đầu tiên với Hội thảo; “Giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong canh tác cây ăn trái trên vùng đất nhiễm phèn của Tỉnh Long An” tại Trung tâm Văn hóa Thể dục Thể thao và Học tập cộng đồng xã Tân Hiệp, Huyện Thạnh hóa. Tham dự và chủ trì buổi hội thảo có Ông Dương Văn Tuấn, PGĐ Trung Tâm Dịch Vụ Nông Nghiệp Tỉnh (TTDVNN), Chủ tịch Hội Làm Vườn (HLV) Ông Nguyễn Thanh Tùng, PCT Thường Trực HLV và Ông Nguyễn Quốc Huy, Cán bộ Phòng Maketing Công Ty CP Phân bón Bình Điền.Cùng tham dự hội thảo còn có đai diện các đơn vị Hội Nông dân Tỉnh, Lãnh đạo xã Tân Hiệp, Hội Nông Dân, Phòng Nông nghiệp Huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Huyện Thạnh hóa và hơn 100 nông dân trồng cây ăn trái của xã Tân Hiệp và xã Thuận bình. Đặc biệt, ban điều hành CLBCTTM trên sầu riêng đã mời được Giáo Sư. Tiến Sĩ Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp Ứng dụng Trưởng Đại Học Cần Thơ, Nhà giáo Ưu tú, Chuyên gia Nông nghiệp đến chia sẽ kiến thức chuyên môn cho hội thảo.
Ông Dương Văn Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo, giới thiệu, hướng dẫn sử dụng một số phân bón chuyên dùng trong canh tác cây ăn trái của Công Ty CP Phân Bón Bình Điền. Đại biểu dự hội thảo chia sẻ một số lưu ý trong canh tác cây ăn trái (không ưa phèn) trên đất phèn của GS.TS Nguyễn Bảo Vệ. Với kiến thức chuyên sâu của một chuyên gia nông nghiệp, nhưng với cách trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, phân tích sát thực tế, GS.TS Vệ đã giúp nông dân hiểu rõ đặc tính một số loại đất chính của địa phương,nhất là đất phèn và các biện pháp khắc phục những hạn chế rủi ro khi canh tác cây ăn trái trên đất phèn.
Tiếp sau phần trao đổi lý thuyết, đại biểu giao lưu trao đổi, giải đáp các thắc mắc trong canh tác với các nhà khoa học. Với trên 20 câu hỏi xoay quanh vào việc canh tác cây ăn trái trên đất phèn, các nhà khoa học đã giải đáp thỏa đáng các câu hỏi của đại biểu tham dự. Nhiều đại biểu đã bày tỏ sự phấn khởi khi được tiếp cận các kỹ thuật mới, các kiến thức có tính căn bản, sẽ giúp họ thay đổi những việc làm chưa đúng, để sản xuất có hiệu quả hơn, nhất là những có giá trị cao như Sầu riêng.
Với thời gian 1 buổi, Hội thảo đảm bảo sự nghiêm túc, duy trì đầy đủ số đại biểu và phát biểu sự hài lòng của đại biểu tham dự đã thể hiện kết quả thành công của hội thảo. Điều này cho thấy mô hình sinh hoạt Câu Lạc Bộ Canh tác Thông minh do Hội Làm Vườn đề xuất là phù hợp và có hiệu quả trong tình hình hiện nay. Đây là hình thức chuyển giao kiến thức khoa học cho nông dân thông qua việc tổ chức sinh hoạt định kỳ, giúp nông dân tiếp cận, giao lưu nhiều hơn với các cán bộ khoa học, cần được quan tâm nhân rộng trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Tùng (HLV)
|