Thứ Năm,21/11/2024 17:22   Chào mừng bạn đến với trang thông tin điện tử của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Long An !.

Tìm kiếm

Số lượt truy cập

Người dùng Online

Thành Viên Online Thành Viên Online:
Khách Khách: 0
Thành Viên Thành Viên: 0
Tổng Số Tổng Cộng: 0

Tin thế giới

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng Đa dạng sinh học - Cội rễ của xuân biếc 14/01/2013

GS Nguyễn Lân Dũng (phải) với người nông dân trồng thành công cây bao báp

Theo GS.NGND Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành Sinh học VN, chúng ta không thể ngồi chờ đến khi có những hành động cần thiết để duy trì sự đa dạng sinh học, không thể làm cho nguồn tài nguyên trở nên cạn kiệt rồi mong chờ ai đó bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Đây rõ ràng là một thách thức lớn. Hệ sinh thái và các loài sinh vật là tài sản của tất cả các dân tộc và chúng ta phải bảo vệ chúng vì sự sống của tất cả mọi người.

GS Nguyễn Lân Dũng đã có buổi trả lời phỏng vấn của Đại Đoàn Kết nhân Năm mới 2013, chia sẻ quan điểm của mình về tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Tại sao nói bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái lại chính là giúp con người giảm nhẹ được những tác động của thiên tai, tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu? Có thể giải thích ngắn gọn việc bảo vệ đa dạng sinh học là bảo vệ chính sự sống chúng ta thế nào? Trả lời câu hỏi này, GS Nguyễn Lân Dũng nói: “Đa dạng sinh học (biodiversity) là sự khác nhau giữa các sinh vật sống ở tất cả mọi nơi, gồm các hệ sinh thái trên cạn, sinh thái trong đại dương và các hệ sinh thái thuỷ vực khác, cũng như các phức hệ sinh thái...

Việt Nam xếp thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh học, với hệ sinh thái đa dạng gồm 11.458 loài động vật, hơn 21.000 loài thực vật và khoảng 3.000 loài vi sinh vật đã biết… Đó phần lớn là những hệ sinh thái nhạy cảm với các tác động của thiên nhiên, con người. Song chúng có đặc trưng mềm dẻo sinh thái cao, có sức chịu tải cao, có khả năng tự tái tạo lớn.

Tuy nhiên, như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm trầm trọng các hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học, đặc biệt là các khu rừng nhiệt đới - nơi tập trung nhiều loài động thực vật quý hiếm và đặc hữu.

Bảo vệ đa dạng sinh học là bảo vệ chính sự sống, giúp tránh đói nghèo. Như ở Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), nếu không có giống ngô địa phương mà thay thế hết bằng các giống ngô lai cao sản dân sẽ đói, (vì những loại ngô này không mọc được trong điều kiện khô hạn và thiếu phân bón). Giống lợn ỷ Móng Cái tuy cho năng suất thịt không cao nhưng lại mắn đẻ, có tính chống chịu cao với điều kiện vệ sinh ít an toàn (!)... Đó là những nguồn gen quý cần bảo tồn và cũng là để lai tạo với các nguồn gen cho năng suất cao.

Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ĐHQGHN) chúng tôi liên kết với các nhà sinh học Nhật Bản năm nào cũng phát hiện được các loài vi sinh vật mới cho thế giới, không ít loài trong số này có thể đưa vào sản xuất do khả năng sản sinh mạnh mẽ các chất hoạt động sinh học hoặc dùng để tạo ra các chủng mang gen tái tổ hợp phục vụ cho sản xuất công, nông nghiệp và bảo vệ sức khỏe cho người, cho gia súc, gia cầm”.

Hai lý do chính gây nên sự mất đa dạng sinh học là biến đổi khí hậu và mất môi trường sống. Đây rõ ràng là thách thức không nhỏ? “Đúng vậy, thách thức không hề nhỏ. Hiện tượng giữ nhiệt xảy ra do một số khí được gọi là khí nhà kính. Sự thay đổi nồng độ của các khí nhà kính trong vòng 100 năm lại đây làm tăng nhiệt độ trái đất lên 2°C, làm thay đổi khí hậu và thời tiết, đẩy nhanh việc suy giảm đa dạng sinh học. Nếu theo kịch bản nước biển nâng cao 1m thì khi đó, 78 trong số 286 "sinh cảnh sống tự nhiên trọng yếu”, 46 khu bảo tồn, 9 khu đa dạng sinh học có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế và 23 khu đa dạng sinh học khác ở Việt Nam sẽ bị tác động nghiêm trọng.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, trong vòng 50 năm trở lại đây, Việt Nam đã mất tới 80% diện tích rừng ngập mặn. Các rặng san hô bị giảm sút cả về chất lượng và độ che phủ, trong số 10 vùng tập trung cỏ biển lớn như Tam Giang, Phú Quốc, một số vùng cũng đã bị suy giảm đáng kể.

Tất cả những điều này khiến cho diện tích các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng của nước ta liên tục bị thu hẹp, số lượng cá thể của các loài hoang dã đang bị suy giảm mạnh, nguồn gen hoang dã và nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Gần 700 loài sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng ở cấp quốc gia, trong đó có 49 loài bị đe dọa cực kỳ nguy cấp ở cấp độ toàn cầu”, GS Dũng nói.

Các cánh rừng nhiệt đới quý báu vẫn tiếp tục bị đốn ngã cho mục đích nông nghiệp, để lấy gỗ, nhất là để xây dựng những công trình hạ tầng kinh tế dẫn đến hậu quả khôn lường? Trả lời câu hỏi này, GS Dũng cho biết: “Mất rừng và suy thoái rừng là những lý do chính gây nên suy thoái đa dạng sinh học ở nước ta. Khi rừng đầu nguồn bị chặt, cường độ của lũ lụt đi nhanh, làm cho nước dâng cao rất nhanh.

Tai hại là thế song những món lợi lớn trước mắt từ rừng khiến người ta tìm mọi cách xin để được "chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng”, "trồng cây công nghiệp”, "phát triển khu du lịch”…và kết quả là hàng ngàn héc ta rừng hàng trăm năm mới hình thành đã bị xóa sổ nhanh chóng bởi các phương tiện máy móc hiện đại.

Đáng lo ngại nhất theo tôi là gần đây đã có tới 6 nhà máy sản xuất Cồn sinh học (bioethanol) mọc lên lấy nguyên liệu chính là sắn. Có cầu ắt có cung. tất nhiên vì lợi nhuận trước mắt nông dân sẽ không ngại ngần gì tìm cách phá rừng , đốt nương làm rẫy trồng sắn một cách ồ at. Nguy hiểm hơn nữa là trồng sắn tràn lan theo cung cách quảng canh (không tưới nước, không bón phân) thì chỉ sau vài năm đất sẽ bị bạc mầu và rất khó có thể duy trì được năng suất bất kỳ loại cây trồng nào. Chủ trương lớn như vậy mà các nhà sinh học nước ta không hề được hỏi ý kiến (?)”.

Đề cập đến định hướng bảo vệ, phát triển ĐDSH tại Việt Nam trong năm tới là gì, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay: “Nước ta đang triển khai 2 chương trình lớn, đó là Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và Chương trình quốc gia về Phòng chống thiên tai. Một trong những trọng tâm của các chương trình này đó là trồng và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, chúng ta cần thực sự triển khai gấp việc tuyên truyền về Luật Đa dạng sinh học đến từng người dân và từng cán bộ các ngành các cấp. Mặt khác phải xử lý thật nghiêm minh những người vi phạm luật, bất kỳ họ được bảo kê bởi bất cứ ai.

Luật quy định: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân thông qua, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố quy họach bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tại trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp có liên quan. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quy họach bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...”.

Nhân dịp đầu năm mới 2013, GS Nguyễn Lân Dũng kêu gọi cần hành động ngay khi chưa quá muộn. Ở quy mô quốc gia, Nhà nước sẽ tìm các biện pháp vĩ mô để giảm thiểu việc phát thải khí nhà kính thông qua việc lựa chọn giống cây trồng, đổi mới quá trình canh tác và hệ thống canh tác.

Về phía cộng đồng và các tổ chức cá nhân, chúng ta hãy quyết tâm làm nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, dành chiến thắng trong cuộc đua chống lại sự tuyệt chủng của các loài sinh vật, hướng tới sự sống bền vững thịnh vượng trên trái đất. Đa dạng sinh học chính là sự sống, là cội rễ của những mùa xuân biếc. Chúng ta cùng ra sức phấn đấu để xây dụng một môi trường Xanh, một cuộc sống Xanh nhằm duy trì lâu dài một cuộc sống an toàn, khỏe mạnh, và hạnh phúc.

GS.TS Sinh học. NGND Nguyễn Lân Dũng là một trong các nhà sinh học nổi tiếng, đã làm việc giảng dạy và nghiên cứu về Sinh học suốt từ năm 1956 đến nay. Hiện ông là Cố vấn Liên đoàn Công nghệ Sinh học châu Á, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn KH&GD thuộc Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ĐHQG HN), Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam.





Các tin khác:


1