Sáng ngày 19/11/2024, tại Hội trường Tỉnh ủy (số 118 Trương Định, Phường 1, thành phố Tân An), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các văn bản mới của Trung ương trên lĩnh vực công tác tuyên giáo. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh – Nguyễn Thanh Hải tham dự hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh.Toàn tỉnh có 286 điểm cầu và 13.434 đại biểu dự.
Tại hội nghị, đại biểu nghe Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - Phạm Thị Thinh, triển khai nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cũng tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – Hoàng Đình Cán, quán triệt, triển khai Kế hoạch số 180-KH/TU, ngày 26/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tuyên truyền nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”; Kế hoạch số 179-KH/TU, ngày 11/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị quy định về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”; Kết luận số 84-KL/TW, ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới” và Chỉ thị số 79-CT/TU,ngày 14/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 84-KL/TW.
PGĐ, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật – Phạm Thị Thinh báo cáo tại hội nghị
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong số 45 cuốn sách của Tổng Bí thư đã xuất bản. Cuốn sách do 5 cơ quan:Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam, tổ chức bản thảo, biên tập, xuất bản từ tháng 3/2023.
Cuốn sách gồm những chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Với hơn 900 trang, nội dung cuốn sách chia làm ba phần:
Phần thứ nhất: Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, gồm 19 bài phát biểu, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị công tác tư tưởng - văn hóa toàn quốc, Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc,... thể hiện tư tưởng nhất quán của người đứng đầu Đảng ta đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phần thứ hai: Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững, tuyển chọn 73 bài phát biểu, bài viết, thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của từng cơ quan văn hóa cụ thể.
Phần thứ ba: Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống, tuyển chọn 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của các cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Vănhóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Giá trị lý luận và thực tiễn của cuốn sách
Một là, về giá trị lý luận, cuốn sách giúp người đọc, người xem hiểu được tại sao lại gọi “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, là đặc trưng của một dân tộc,là sức mạnh nội sinh của dân tộc; “Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”? Như nghị quyết của Đảng ta đã nói: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, về giá trị thực tiễn, cuốn sách đã chỉ rõ: Bằng thực tiễn dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là từ khi lập Đảng đến nay, chúng ta đã dùng sức mạnh của văn hóa như là một công cụ, một động lực quan trọng để chiến thắng giặc ngoại xâm, để giành và giữ vững nền độc lập dân tộc. Từ khi đổi mới đất nước đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục dùng văn hóa là động lực để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Không chỉ nhân dân ta, dân tộc ta mà cả bạn bè quốc tế khi nghiên cứu cuốn sách này đều có một nhận xét là, dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam có một sức mạnh diệu kỳ, đã đánh thắng bất kỳ một thế lực ngoại xâm nào. Đến khi đất nước hòa bình thì sức mạnh văn hóa này được triệt để tận dụng để xây dựng và phát triển đất nước.
Ba là, cuốn sách chỉ ra những phương thức, phương cách tiến hành của toàn Đảng và hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân là làm thế nào, bằng cách nào, giải pháp đột phá nào để chúng ta sớm có một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng nội hàm mà các văn kiện của Đảng đã đề ra.
Để tiếp tục xây dựng,giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, theo Tổng Bí thư, cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành
công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hoá gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá,môi trường văn hoá, đời sống văn hoá: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời nâng cao chấtlượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá mới. Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hoá, phản văn hoá; bảo vệ những giá trị chân - thiện- mỹ. Nâng cao đời sống văn hoá của nhân dân; xây dựng đời sống văn hoá vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền của đất nước.
Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hoá là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hoá, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hoá sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hoá.
Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hoá trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hoá.
Sáu là, xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh./.
Bài và ảnh: N.T.H